Toát lược Tông Thư “Mane Nobiscum Domine”

Tông thư MANE NOBISCUM DOMINE [Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con] được đức thánh cha Gioan Phaolô II cho công bố để khai mạc Năm Thánh Thể, từ ngày 07/10/2004 đến 07/10/2005.

Trước khi đi vào nội dung chính của Tông thư, chúng tôi mạn phép toát lược nội dung chính của Tông thư. Tiếp đến, chúng tôi xin chia sẻ một vài cảm nhận khi đọc Tông thư này. Phần cuối của tập tài liệu, chúng tôi dẫn thêm một vài kinh nguyện do thánh Tôma Aquinô soạn có liên quan đến bí tích Thánh Thể, ngõ hầu anh chị em có thêm những bản văn giúp cho việc cử hành Năm Thánh Thể này thêm sốt sắng và sinh động.

Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, tông thư bao gồm bốn phần chính, được chia thành 31 số và dài khoảng 32 trang khổ giấy 15×21 (A5). Phần dẫn nhập phân tích sự kiện hai môn đệ trên đường đi Emmaus trong tâm trạng tuyệt vọng vì tưởng rằng Chúa của mình đã chết rồi. Bỗng dưng một Người Khách lạ xuất hiện và xin nhập đoàn với họ, sau một hành trình dài cùng nhau chuyện vãn, họ nhất định mời cho kỳ được Người khách lạ hãy dừng chân và đồng bàn với họ, lập tức họ nhận ra Vị Khách lạ ấy chính Đấng Phục sinh, ngay lúc Người bẻ bánh ! Đức thánh cha cũng dặn rằng, các giám mục giáo phận năm nay vẫn cứ thi hành những chương trình mục vụ đã thiết định cho Hội thánh địa phương, vì việc hoạch định trọn một năm để suy tôn Thánh Thể chẳng những không làm xáo trộn những sinh hoạt nội bộ của Hội thánh địa phương, nhưng còn chấp cánh cho những sinh hoạt ấy đi vào nhiệm cục cứu độ, nhờ những chiều kích rất phong phú và kỳ vĩ của Thánh Thể.

Phần thứ nhất của tông thư đặt năm Thánh Thể như là một cao trào tiếp nối truyền thống Công đồng Vaticanô II và năm thánh 2000. Đức thánh cha nêu rõ ước muốn dành trọn một năm để suy tôn Thánh Thể là một mối bận tâm vẫn canh cánh trong lòng người bấy lâu nay. Thật vậy, ngay từ năm đầu tiên lãnh trách vụ Mục tử coi sóc Hội thánh Công giáo hoàn vũ, người đã có nhã ý nêu ra đề tài này trong thông điệp Redemptor hominis, Đấng cứu chuộc con người. Và dồn dập vào những năm kế tiếp, những thông điệp và tông thư của người và vẫn nhắc đi nhắc lại chủ đề này dưới nhiều hình thức khác nhau[1][1]. Có thể nói, hầu như trong tất cả các văn kiện của mình, Đức thánh cha Gioan Phaolô đều không ngần ngại nhắc nhở rằng, việc suy tôn Thánh Thể vẫn được coi là nguồn mạch, bí quyết và là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Thế nên, tông thư này ra đời chính là sự hội tụ những nguyện ước vẫn từng nhen nhúm trong tâm trí đức thánh cha về việc cử hành Thánh Thể. Hơn nữa, nhìn lại truyền thống của Hội thánh, Năm Thánh Thể cũng đã từng là ước vọng của các vị tiền nhiệm đức thánh cha, các giáo phụ lỗi lạc, và biết bao tâm hồn đã từng khắc khoải để mong được chiêm ngắm Dung Nhan Đấng Cứu độ đang ẩn mình trong Thánh Thể.

Phần thứ hai của tông thư khẳng định Thánh Thể là mầu nhiệm ánh sáng. Trong một thế giới đang bị những bóng đen của bạo lực, khủng bố, chiến tranh, đói nghèo, tham nhũng xâu xé, Thánh Thể lại trở thành nguồn ánh sáng chói loà để soi rọi lương tri nhân loại và đánh thức những tâm hồn ngái ngủ đang chập chờp trong những cơn ác mộng của sự dữ và khổ đau. Thật vậy, chính nhờ lời giải thích Kinh thánh của Vị Khách lạ, mà tâm trí ám độn của hai môn đệ đi Emmaus đã được khai sáng. Khi đồng bàn bẻ bánh, hai ông đã nhận ra dung mạo Đấng Phục sinh và tiếp tục đăng trình dấn thân cho sứ vụ cứu độ.

Phần thứ ba của tông thư coi Thánh Thể là nguồn mạch và biểu lộ tình hiệp thông. Trong một thế giới đang bị manh mún vì những ý hệ khác biệt và những chủ trương cực đoan, Thánh Thể lại hiện diện ở đó như một lời thúc giục nhân loại hãy làm hoà với nhau, cổ võ tình liên đới, kiến tạo hoà bình và dốc tâm xây dựng mối giao hảo huynh đệ. Nỗ lực này chỉ có thể được vun trồng cách bền bỉ, hiệu quả và rốt ráo nhờ mối thông hiệp thâm diệu của từng cá nhân với Thiên Chúa, nhờ việc cử hành Thánh Thể. Thật vậy, khi lãnh nhận Thánh Thể, người tín hữu được dự phần bàn tiệc thiên quốc ngay khi còn ở đời này và vì thế mà họ cũng được thông hiệp với nhau trong Nhiệm Thể thống nhất của Chúa Kitô. Nói cách khác, sự thông hiệp, xét như là một trong những chiều kích ưu việt của Thánh Thể, là sự hiệp thông đa phương giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Như vậy, sống bí tích Thánh Thể mà chưa sẵn sàng thông hiệp với đồng loại, trong bất cứ tình cảnh nào, thì thử hỏi lối sống ấy có thực sự thấm nhuần chiều kích Thánh Thể chưa ? Ngược lại, là Kitô hữu, với một cuộc sống lúc nào cũng hồ hởi cổ võ tình liên đới, tha thiết xây dựng tình huynh đệ, quyết liệt đấu tranh cho công bằng xã hội… mà không khép mình thao luyện trong mái trường Thánh Thể, liệu những sinh hoạt thuần túy trần thế như vậy có đem lại hiệu quả chất lượng lâu bền cho tha nhân không ? Nhân đây, đức thánh cha cũng mời gọi các tín hữu hãy ý thức tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật, và hãy dành ngày này để cử hành Thánh Thể cách xứng hợp.

Phần thứ tư của công thư xác quyết Thánh Thể chính là nguyên lý và dự phóng cho sứ mạng của Hội Thánh. Thật vậy, kẻ nào đã thực sự hưởng nếm hồng ân kỳ diệu nơi bàn tiệc Thánh Thể, kẻ ấy không thể không nói lên xác tín của mình về mầu nhiệm cực thánh này và còn nỗ lực chia sẻ xác tín ấy cho đồng loại nữa. Bằng chứng là hai môn đệ đi Emmaus lập tức đứng đậy và tiếp tục đăng trình theo Đức Kitô, sau khi hai vị đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Phục sinh (Lc 24, 33). Thêm vào đó, hoa trái tất yếu của việc cử hành Thánh Thể ắt phải là tâm tình sẵn sàng phục vụ những anh chị em bé mọn. Thật vậy, thâm ý này đã hàm ngụ ngay từ khi thiết lập bí tích Thánh Thể, rằng Đức Giêsu đã chẳng cúi xuống và rửa chân cho các môn đệ đó sao ? Như vậy, dấu chỉ phục vụ người bé mọn chính là tiêu chí để lượng định xem việc chúng ta cử hành Thánh Thể có thành thật hay không ! Nói cách khác, sẽ thật là vô phép biết dường nào, nếu chúng ta vẫn ngày ngày cử hành Thánh Thể mà không toả sáng lòng mến, lòng mến ấy phải được biểu thị bằng việc chia sẻ những phúc lợi rất cụ thể của mình cho những anh chị em túng nghèo.

Phần kết của tông thư, đức thánh cha ngỏ lời hiệu triệu với mọi thành phần Dân Chúa, gồm giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân và đặc biệt là các bạn trẻ. Người tha thiết kêu mời Dân Chúa hãy tích cực hưởng ứng Năm Thánh Thể trong tâm tình cảm mến mầu nhiệm kỳ vĩ này, hãy hội nhập những chiều kích ưu việt của Thánh Thể vào cuộc sống và những sinh hoạt thường nhật của mình. Nguyện ước rất giản dị của người trong Năm Thánh Thể này là chớ gì mọi thành phần Dân Chúa từ nay sẽ cử hành Thánh Thể, ít là vào ngày Chúa nhật, cách cung kính và sinh động hơn, đồng thời, mong thay những hình thức suy tôn Thánh Thể ngoài thánh lễ sẽ gia tăng và đạt chất lượng. Đức thánh cha cũng không quên phó thác Năm Thánh Thể này cho đức Maria, bởi vì Mẹ chính là học viên tiên khởi rất chăm chỉ trong mái trường Thánh Thể. Khi có Mẹ cùng suy tôn Thánh Thể, chắc chắc chúng ta sẽ được gia tăng lòng sốt mến, dạn dĩ, trung tín và bền bỉ trên hành trình sứ vụ của Hội thánh.


[1] x. Tông thư Ngàn năm thứ ba đang đến [Tertio Millennio adveniente], tông thư Bước vào ngàn năm thứ ba [Novo Millennio ineunte], tông thư Ngày Chúa Nhật [Dies Domini]…

Phần sau

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại