Tông Thư Mane Nobiscum Domine – Dẫn Nhập

DẪN NHẬP

1. “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều” (Lc 24,29). Đó là lời mời tha thiết của hai người môn đệ đang trên đường đi Emmaus vào chiều ngày lễ Phục sinh. Hai ông đã nhất tâm mời cho kỳ được Vị Khách đã nhập đoàn cùng đi với hai ông suốt con đường dài. Tâm trí đầy ắp ưu phiền, các ông bấy giờ chẳng mường tượng được Vị Khách Lạ kia lại chính là Thầy của mình, nay đã phục sinh. Thế nhưng, các ông đã cảm nghiệm “một nỗi khao khát cháy bỏng” và sâu xa (x. ibid., 32) lúc Người nói chuyện với các ông và “giải thích cho các ông hiểu Sách Thánh. Ánh sáng của Lời đã khai sáng những tâm hồn chai cứng và “đã mở mắt cho các ông” (x. ibid., 31). Giữa cảnh u ám chập choạng của ngày sắp tàn và sự tối tăm đang xâm chiếm lòng trí các ông, Vị Khách kia đã dọi một tia sáng, dấy lên niềm hy vọng và mở lòng cho các ông khát khao được ánh sáng trọn vẹn soi chiếu. Các ông đã khẩn khoản mời : “Xin Ngài ở lại với chúng tôi”. Và Vị Khách đã nhận lời. Chẳng mấy chốc, khuôn mặt Đức Giêsu đã biến đi, nhưng Thầy vẫn còn “ở lại” với họ, ẩn khuất trong sự kiện “bẻ bánh”. Chính sự kiện này đã khiến mắt các ông đã mở ra và nhận biết Người.

2. Bức ảnh các môn đệ đi Emmaus quả là một chỉ dẫn thích hợp cho suốt một Năm Hội Thánh dành riêng để đặc biệt chú tâm sống mầu nhiệm Thánh Thể. Trên một hành trình dày đặc những nghi ngại và âu lo, thậm chí cả những thất vọng não nề nữa, Vị Thượng Khách kia vẫn đang tiếp tục làm người bạn đường dẫn dắt chúng ta, cùng đọc Sách Thánh và giải thích cho ta hiểu các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi cuộc gặp gỡ trở thành toàn diện, tiếp theo sau ánh sáng của Lời là ánh sáng chiếu giãi từ “Bánh ban sự sống”, nhờ đó Đức Kitô thực hiện trọn vẹn lời hứa của Người là ở với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

3. Việc “bẻ bánh” – tên gọi Thánh Thể từ thời khai nguyên – xưa nay vẫn là trung tâm của đời sống Hội Thánh. Nhờ việc bẻ bánh, Đức Kitô làm cho mầu nhiệm thương khó và sự phục sinh của Người được hiện diện suốt dòng thời gian. Khi cử hành việc bẻ bánh, chính bản thân Người được đón nhận như là “bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51) và, cùng với Người, bảo chứng sự sống vĩnh cửu được ban tặng cho chúng ta và nhờ đó ta được nếm trước bữa tiệc vĩnh cửu của Giêrusalem thiên quốc. Tiếp nối giáo huấn của các Giáo phụ, các Công đồng đại kết và cả các vị Tiền nhiệm của tôi, nhiều lần và mới đây trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, tôi đã mời gọi Hội Thánh cùng suy tôn Thánh Thể. Do đó, trong thư này, tôi không có ý nhắc lại giáo huấn ấy nữa, bởi tôi tin rằng thế nào giáo huấn ấy cũng sẽ được nghiên cứu và tìm hiểu một cách sâu rộng hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc xác định mục đích của tông thư này là mời gọi toàn thể dân Chúa dành trọn một Năm để suy tôn bí tích cực thánh là một việc làm rất hữu ích.

4. Như ta biết, Năm Thánh Thể sẽ diễn ra từ tháng mười năm 2004 đến tháng mười năm 2005. Ý tưởng về việc cử hành năm Thánh Thể này đến với tôi từ hai biến cố sẽ đánh dấu đầu năm và cuối năm này : Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế diễn ra từ mồng 10 đến 17 tháng mười năm 2004 ở Guadalajara (Mêhicô), và Thượng hội đồng giám mục thường kỳ sẽ được tổ chức tại Vaticanô từ mồng 02 đến 29 tháng mười năm 2005, với đề tài “Thánh Thể : nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ vụ Hội Thánh”. Còn một nhận định khác khiến tôi đưa ra đề nghị này : Ngày Quốc tế Giới trẻ cũng sẽ diễn ra sang năm ở Cologne từ ngày 16 đến 21 tháng tám năm 2005. Tôi mong ước các bạn trẻ cùng quy tụ chung quanh Thánh Thể vì đó chính là nguồn sống dưỡng nuôi đức tin và lòng hăng say của các bạn. Thực ra, sáng kiến dành một năm để suy tôn Thánh Thể như vậy thỉnh thoảng vẫn loé lên trong tâm trí tôi, đó là sự tiến triển tất yếu của thúc bách mục vụ mà tôi đã có ý khơi lên trong Hội Thánh, đặc biệt từ những năm chuẩn bị cho Năm toàn xá và cả những năm sau đó nữa.

5. Trong tông thư này, tôi xin nhấn mạnh đến tính liên tục của sự tiến triển tất yếu này, hầu giúp mọi người gặt hái được ý nghĩa thiêng liêng của sự tiến triển ấy. Còn về việc thực hiện cụ thể Năm Thánh Thể, tôi trông vào thái độ quan tâm lo lắng của chính các vị mục tử trong các Hội Thánh địa phương, lòng sùng mộ của các vị đối với Bí tích cực trọng này sẽ khơi lên được những việc làm cụ thể. Ngoài ra, chắc chắn những người Anh em Giám mục của tôi sẽ hiểu rằng sáng kiến này, tiếp ngay sau khi Năm Kinh Mân côi vừa kết thúc, có ý dẫn đến một bình diện tâm linh sâu sắc hơn mà không làm xáo trộn các chương trình mục vụ của các Hội Thánh địa phương. Đúng hơn, sáng kiến này có thể soi sáng cho các chương trình ấy, và có thể nói, định hướng các chương trình ấy đi vào Mầu Nhiệm là nguồn mạch dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng của các tín hữu cũng như của mỗi sáng kiến trong Hội Thánh địa phương. Vì thế, tôi không yêu cầu các Hội Thánh địa phương tạm ngưng các chương trình mục vụ đang được thực hiện, nhưng xin nhấn mạnh đến chiều kích Thánh Thể trong các chương trình ấy, vì đấy là chiều kích đặc nét của toàn thể đời sống Kitô hữu. Còn phần tôi, qua tông thư này, tôi xin nêu lên một số hướng dẫn căn bản, và tôi xác tín rằng Dân Thiên Chúa ở mọi cấp độ sẽ mau mắn đón nhận đề nghị của tôi với nhiệt tình và với lòng yêu mến nồng nhiệt.

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại